Đánh giá Chân Hoàn truyện

Tích cực

Không quy tụ dàn diễn viên ngôi sao danh giá, "Chân Hoàn truyện" gặt hái thành công nhờ sở hữu dàn diễn viên thực lực và có phong cách riêng.

Nhân vật chính Chân Hoàn được Tôn Lệ biến hóa rất linh hoạt, nhất là Tôn Lệ đã đánh dấu rất ấn tượng từng chặng đường tính cách, nhận thức và quá trình thay đổi của nhân vật Chân Hoàn, Tôn Lệ đã để lại vai diễn mang đậm dấu ấn trong sự nghiệp của bản thân. Nhân vật Ung Chính được Trần Kiến Bân thể hiện bằng sự lạnh lùng tàn nhẫn, tuy được so sánh với rất nhiều Ung Chính do các diễn viên khác thủ vai nhưng Trần Kiến Bân vẫ để lại hình ảnh một Hoàng đế lạnh lùng và tàn nhẫn rất riêng biệt. Nói về vai Hoàng hậu của Thái Thiếu Phân, Thái Thiếu Phân là một "đàn chị" trong việc thể hiện phong cách mẫu nghi thiên hạ của Hoàng hậu, tuy nhiên, lời thoại đôi khi không khớp với khẩu hình nhân vật vì Thái Thiếu Phân vốn là diễn viên Hồng Kông nổi tiếng và bộ phim sử dụng Tiếng Trung Quốc phổ thông. Những vai diễn khác cũng rất ấn tượng, tuy chỉ là vai phụ nhưng các nhân vật đều được thể hiện với tính cách riêng, dấu ấn riêng đặc trưng cho từng nhân vật, trong đó không thể không nhắc đến diễn viên gạo cội Lưu Tuyết Hoa trong vai Thái hậu.

Bên cạnh đó, bộ phim được quay chủ yếu tại Phim trường Hoành Điếm. Phục trang và dựng cảnh cũng là một trong những thế mạnh đáng chú ý của bộ phim, trang phục dành cho các vị Hậu phi trong Thanh cung rất tinh xảo và sinh động, đẹp mắt, các trang sức, mũ cát phục, Hoàng phục và Cát phục hoàng gia đến Hộ giáp, giày đều được đầu tư rất kĩ từng chi tiết, tất cả đều phù hợp với thẩm mỹ của khán giả. Đạo diễn, các diễn viên cùng ê kíp đoàn phim đã tham khảo và học hỏi các nhà sử gia rất kĩ lưỡng để bộ phim trông thực và hợp lý, từ văn nghệ, tuồng kịch, trang sức, cống phẩm,.. được bày biện trong bảo tàng. Sự ảnh hưởng của bộ phim đã khiến hiện tượng quan tâm văn hóa triều Thanh trở nên mạnh mẽ, các sức phẩm, địa vị hậu cung cùng xưng hô trong phim được đông đảo cư dân mạng ưa thích và có hành động nhái lại.

Bộ phim đã được phát lại nhiều lần ở nhiều đài truyền hình địa phương tại Trung Quốc Đại lục. Sau thành công ở nội địa, phim tiếp tục gây cơn sốt ở Đài Loan, Nhật BảnHàn Quốc tạo nên cơn sốt cắt mắt hai mí giống đôi mắt của diễn viên Tôn Lệ vai Chân Hoàn, số ca cắt mắt tăng 30% so với cùng kỳ. Ngoài ra, phim còn được biên tập từ 76 tập rút thành 6 tập, mỗi tập 90 phút và có thêm một số cảnh bổ sung để phát sóng ở Mỹ. Khi công chiếu ở Mỹ, vì bị rút ngắn và khác biệt văn hóa, phim bị đánh giá là quá dài, quá nhiều tâm lý, lời thoại phức tạp dẫn đến khó nắm bắt được sự thưởng thức của khán giả phương Tây. Bộ phim cũng đã được trình chiếu lần đầu tiên tại Việt Nam trên kênh THVL1 từ 23 tháng 6 năm 2013 với nhan đề "Sóng gió hậu cung". Năm 2015, Truyền hình Hà Nội chiếu lại bộ phim với tên "Chuyện hậu cung". Đến năm 2020, kệnh HTV3 mua bản quyền và phát sóng phim lúc 21 giờ từ thứ 2 đến thứ 6 bắt đầu từ ngày 7 tháng 6 năm đó.

Chỉ trích

Tuy rất thành công, "Chân Hoàn truyện" cũng có những hạn chế, đặc biệt là tính chất lịch sử và chuẩn xác của bối cảnh phim.

Gặp vấn đề tiên quyết chính là ngoại hình của nam chính. Trong tiểu thuyết nguyên tác, hình ảnh "Hoàng thượng" được miêu tả với vẻ ngoài trẻ trung hơn rất nhiều so với nam diễn viên Trần Kiến Bân. Theo đạo diễn, thì đây là ý đồ riêng của ông:「"Tôi muốn quay một bộ cổ trang mang ý phê phán. Bởi mấy bộ cổ trang gần đây của chúng ta quá nửa là ca tụng, phần lớn là tâng bốc. Bao gồm một số hoàng thượng vừa trẻ, vừa đẹp, vừa chung tình. [...] tôi thấy thực tế tạo vấn đề rất lớn. Có một số cô gái muốn theo tiểu thuyết đâm đầu xuống giếng để xuyên về quá khứ. Kết cục là bị chết chìm"」. Vì vậy, ông muốn tạo ra một bộ phim chân thực nhất, trần trụi nhất, gần với thực tế lịch sử nhất.

Bên cạnh đó là vấn đề bối cảnh nhà Thanh mà phim xây dựng. Đạo diễn Trịnh Hiểu Long rất tự tin về lễ nghi trong bộ phim, bởi vì công đoạn lễ nghi này đã được cố vấn bởi Trương Hiểu Long - giảng viên tại học viện hí kịch Trung Ương và có học Thanh cung lễ nghi từ em trai Nhuận Kỳ của Hoàng hậu Uyển Dung. Thế nhưng những gì trong phim thể hiện đều không được như vậy, học giả chuyên về Thanh cung là Quất Huyền Nhã (橘玄雅) vào ngày 4 tháng 5 năm 2012 đã lên bài về chất lượng bối cảnh cũng như thông tin lịch sử của bộ phim, đó là bài Chân Hoại truyện (真坏传)[9][10]. Những hạn chế của phim theo Quất Huyền Nhã là:

  • Trang phục sai thời và sai cách phối: những trang phục mà phim thể hiện đều là từ Thanh mạt Dân sơ mới bắt đầu thịnh hành, trong khi triều Ung Chính cùng hai triều Khang Hi và Càn Long trước sau đều nhất trí ưa chuộng thanh nhã. Đến với bộ phim, vì thể hiện tính "hoàng gia" mà ê kíp lại dùng xa hoa diễm lệ làm chủ, xét về tính chất thực tế thì không chính xác. Bên cạnh đó, ê kíp phục trang của bộ phim cũng mắc lỗi về trang phục như không phân biệt Triều phục và Thường phục khác nhau ra sao, Cát phục lại thế nào mà có xu hướng trộn vào với nhau.
  • Hậu cung có vai trò quá lớn: như đã đề cập ở khoản mục "Chế độ Hậu cung" trong Hậu cung Như Ý truyện, bộ phim này vì là chủ đề nữ chủ trong hậu cung nên có khuếch trương vai trò Hậu phi hơn rất nhiều. Trong thực tế, Hậu phi trong hậu cung nhà Thanh đều không có quyền hạn thực quyền nào về xử lý nội sự, vai trò của họ là ở hình thức, lễ nghi, chu kì lễ giáo mang nặng tính hình tượng, còn những vấn đề điều hành đều do các quan viên cấp cao của Nội vụ phủ quản lý. Thuận tiện đề cập, bộ phim cũng thể hiện sai trầm trọng khi để Thái giám làm chủ Nội vụ phủ, vì thực tế Nội vụ phủ nhà Thanh là do quan viên bình thường thuộc giai tầng Bao y quản lý, đều có các Đại thần kiêm nhiệm chức Tổng quản, hoàn toàn không phải các Thái giám quản lý như bộ phim xây dựng.
  • Sai trái về chế độ Bát Kỳ: bộ phim đem khái niệm Bát Kỳ thành một "thước đo thân phận" cực kỳ nguy hại, nào là [Thượng tam kỳ] cao hơn [Hạ ngũ kỳ], rồi Mông Cổ Bát kỳ cùng Mãn Châu Bát kỳ bị gọi thành [Mông quân kỳ] cùng [Mãn quân kỳ] vì bắt chước Hán Quân Bát kỳ,.v.v.. Tất cả đều không chính xác.

Tác giả cũng chỉ ra nếu những vấn đề này chỉ là "lỗi sạn của phim" thôi thì không đáng bận tâm, nhưng rất nhiều người xem lại lấy những gì phim thể hiện mà làm "Thước đo chuẩn xác" chỉ vì có cố vấn lịch sử và vài phát biểu "Cố làm sát lịch sử", đây cũng là lý do mà tác giả quyết định viết bài. Mà bộ phim vốn dĩ chuyển thể từ tiểu thuyết hư cấu, rất nhiều cách xây dựng về nhân sinh quan, cách nhìn nhận bối cảnh hoàn toàn không khớp với lịch sử nhà Thanh thời Ung Chính khi ấy, dẫn đến nếu khán giả đem chi tiết phim thành sử thì quả thật là một sự tai hại.